GIỚI THIỆU VỀ CÔN ĐẢO

GIỚI THIỆU VỀ CÔN ĐẢO

 Vị trí: Côn Đảo - huyện Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Tp. Vũng Tàu 180km, cách Tp. Hồ Chí Minh 230km.
Đặc điểm: Côn Ðảo là một quần đảo gồm 14 đảo lớn, nhỏ, có địa thế hùng vĩ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều phong cảnh và bãi biển đẹp cùng với di tích nhà tù nổi tiếng.
Du khách có thể đi bằng máy bay hoặc bằng tàu biển để ra Côn Ðảo.


Từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975, Côn Ðảo bị biến thành một nhà tù khổng lồ, giam giữ hàng trăm nghìn người yêu nước Việt Nam. Tại đây, hơn 22.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các khu lao, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, bến Ðầm, Cầu Tầu, nghĩa trang Hàng Dương... mãi mãi còn đó, thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường của con người Việt Nam. Côn Ðảo là một chứng tích hùng hồn, tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đối với phong trào yêu nước của dân tộc ta.

Chúng ta đến thăm Côn Ðảo, không chỉ đến thăm chứng tích "địa ngục trần gian" của thực dân đế quốc mà còn là đến với những hòn đảo đẹp luôn rực rỡ sắc biển, màu trời, những hòn đảo xanh tươi của rừng núi, của lúa, của tiêu, của dừa và của các loài thú quý hiếm...

Những địa danh trên Côn Ðảo gắn liền với tài nguyên thiên nhiên phong phú của nơi đây. Ðảo lớn nhất là Côn Sơn với trung tâm đảo là Côn Lôn. Hòn Cau cách Côn Lôn 8km, rộng 1,8 km² là nơi có nhiều cau rừng quả to gần như quả trứng gà, hạt đỏ như son. Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ có rừng tre dầy, thân trắng và lớn như thân cây vầu, cây bương. Hòn Trai có nhiều trai ngọc quý. Hòn Trứng là nơi cư ngụ của nhiều loài chim biển. Hòn Bà cách Côn Lôn vài trăm mét có đỉnh núi cao 321m, trên có tảng đá to hình một người phụ nữ. Hòn Bảy Cạnh cách Côn Lôn 7km có ngọn Hải Đăng xây năm 1884, tầu thuyền trên biển ở xa trên 70km còn nhìn thấy.




 Nằm trong vùng khí hậu á xích đạo - hải dương nóng ẩm, nhiều nắng gió, Côn Ðảo có hệ sinh thái hết sức phong phú và đa dạng. Rừng Côn Ðảo xanh tốt um tùm với nhiều loại cây gỗ quý như bời lời, lát hoa, sao đen, cẩm thi, thiên niên kiện, săng đào, dầu lá bóng... Ðộng vật ở Côn Ðảo cũng có nhiều loài như chồn, sóc, kỳ đà, khỉ, hươu, nai, gà rừng..., đặc biệt có sóc mun toàn thân đen tuyền không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta. Ở đây có các loài chim quý hiếm như: chim điêu mặt xanh, én biển...
Vùng biển Côn Ðảo có nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá hàng, cá gióng, cá mập, cá heo, cá nhám, hải sâm, đồi mồi, vích…

Cùng với việc khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng, biển của Côn Ðảo, người dân nơi đây đang phát triển việc trồng và chế biến những nông sản có giá trị hàng hoá cao như hồ tiêu, dừa, cây thuốc... Và cũng chính những mặt hàng có giá trị cao về nông, lâm, ngư nghiệp của Côn Ðảo đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của vùng đảo giầu đẹp này.

 Côn Ðảo cũng đang phát huy thế mạnh du lịch của mình. Trên đảo Côn Sơn có sân bay Cỏ Ống là cầu nối quần đảo với đất liền, rất thích hợp cho sự đưa đón khách du lịch. Thị trấn có rất nhiều cây bàng nên vào những ngày nắng nóng vẫn rợp bóng xanh mát. Các bãi tắm ở Côn Ðảo còn nhiều nét hoang sơ với môi trường trong lành, trong đó có những bãi rất đẹp như Hàng Dương, Phi Yến, Ðầm Trầu... bằng phẳng, sạch sẽ, nước trong xanh, có thể nhìn rõ đáy cát.

Không thể không nhắc đến một sự kiện lịch sử thú vị là năm 1284 nhà thám hiểm Marco Polo đã ghé qua Côn Ðảo.
Côn Ðảo là địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Giới thiệu Côn Đảo


Sân bay Côn Đảo trước năm 2005 mang tên sân bay Cỏ Ống - theo tên ngôi làng nơi vị trí sân bay được đặt. Sân bay được xây mới vào năm 2003 và khánh thành vào năm 2005.

Đường băng mới dài 1.800m, đón được các loại máy bay tầm ngắn và trung như ATR-72, CRJ-900 …

Theo Quyết định phê duyệt qui hoạch, đến năm 2010, sân bay Côn Đảo sẽ đạt cấp 3C và sân bay quân sự cấp II và tương đương. Xây thêm sân đỗ đạt diện tích 16.920m², có thể phục vụ 3 chiếc ATR 72 và 1 chiếc dự phòng. Nâng cấp mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất 300 hành khách/giờ cao điểm. Tổng lượng khách có thể phục vụ là 500.000 lượt hành khách/năm.

Đến năm 2025, Cảng Hàng không Côn Sơn sẽ là cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như A320/A321 và tương đương.
Xây dựng đường hạ cất cánh mới có kích thước 2400m x 45m. Tận dụng đường hạ cất cánh cũ làm đường lăn song song và xây mới 5 đường lăn nối kích thước 18m x 150m. Mở rộng sân đỗ lên 31.500m² đáp ứng chỗ đỗ cho 1 máy bay A320/A321 và 4 máy bay ATR72; Mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất 300 hành khách/giờ cao điểm; Lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm.

Thông tin thêm:

- Hàng ngày sân bay Côn Đảo đếu có các chuyến bay của Vasco (Vietnamairlines) và Mekong Air đi từ Cần Thơ, Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
- Từ sân bay Côn Đảo đến trung tâm thị trấn Côn Sơn là 12km, đến bãi biển Đầm Trầu là 2,5km và đến miếu Cậu (Hoàng Tử Cải) 2km.


 BÀI VIẾT BÁO TUỔI TRẺ:
TRUI RÈN Ở "ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN"
TT - 0g30, tiếng tù và dồn dập xé ngang giấc ngủ say nồng. Vốn đã quen với những điều bất ngờ của khóa huấn luyện, nhưng bị dựng đầu dậy giữa thời khắc ngon nhất của giấc ngủ lại là điều quá bất thường với trại sinh “Đến Côn Đảo rèn bản lĩnh”.
Các bạn nhỏ bị dựng dậy để hành quân, giữa nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”!

Cuộc hành quân lúc 0 giờ


“Tôi sẽ thay đổi”
“Tôi nhận ra mình phải cố gắng nhiều hơn, dẹp bỏ những tật xấu để có thể trở nên hoàn thiện hơn. Chắc chắn khi về nhà tôi sẽ thay đổi tích cực hơn để làm vui lòng bố mẹ và không phụ lòng mong mỏi của những người đã hướng dẫn, đặt nhiều hi vọng vào tôi”.
(Trích nhật ký của trại sinh Đặng Gia Huy)
Chỉ có vài phút thay đồng phục, té nước lên mặt cho quên cơn ngái ngủ, không ai có thời gian kịp súc miệng. Từng người lần lượt được đưa lên xe, phải dò dẫm đi khi đôi mắt đã bị chiếc khăn che kín. Đến một nơi, các trại sinh níu tay nhau bước đi trong ánh trăng lờ mờ giữa đất trời Côn Đảo. Không tiếng nói, chẳng tiếng cười. Chỉ có tiếng lộp cộp của những bước chân vang lên trong tĩnh mịch của đêm.
Và cuộc hành quân mới chỉ bắt đầu. Men theo lối đi sau lưng trại Phú Tường - nơi một thời được gọi là chuồng cọp - họ đi mà chưa hề biết đích đến nơi đâu. Những bãi cỏ ướt đẫm sương đêm sột soạt dưới chân. Con đường ngoằn ngoèo đi theo chấm đỏ nhỏ xíu của những dấu chân nhang. Chui hàng rào kẽm gai, băng qua đồi cát, lội mương nước quá đầu gối. Đích đến cuối cùng hiện ra trước mắt - nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của những tên tuổi đã đi vào lịch sử.
Anh Quang Cường (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - đơn vị tổ chức trại huấn luyện) - cho biết: “Cuộc hành quân giữa thời khắc như thế, với điểm đến như thế sẽ ít nhiều rèn luyện sự dũng cảm, giúp các bạn chiến thắng nỗi sợ hãi đôi khi do chính mình tự tạo ra”. Hà Giao - một trong tám nữ trại sinh - nói: “Thắp hương trước mộ chị Võ Thị Sáu, tôi càng khâm phục sự anh dũng của các liệt sĩ và nhận ra rằng mình phải yêu đất nước nhiều hơn nữa”.

Khát vọng từ xà lim

Có vô số thử thách đưa trại sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngày thứ hai, trong những bộ bà ba nâu và đen, mỗi trại sinh bước vào hành trình bằng sự trải nghiệm chưa từng nghĩ đến trong đời - sắm vai tù nhân chính trị trong chính các xà lim giam giữ tù nhân Côn Đảo năm xưa. Trong vòng 30 phút, các bạn được biết thế nào là không gian của trại tù, là chiếc cùm chân, là cảm giác ngột ngạt đến khó thở.
Tại hai phòng biệt giam, sáu trại sinh còn nếm trải cảm giác đặc biệt hơn số đông còn lại. Tình huống đưa ra cho các “nữ tù nhân”: Nếu mỗi tuần chỉ có một gàu nước, bạn làm cách nào để giữ lấy nguồn nước hiếm hoi ấy? Trong ánh sáng le lói của chiếc cửa sổ bé xíu, ba “nữ tù” đúc kết: “Chiếc áo sẽ là phương tiện giữ nước để sử dụng tới giọt cuối cùng”.
Trong khi đó, ba “nam tù nhân” ở phòng biệt giam cách đó không xa cùng giải quyết bài toán cách nào để sinh tồn trong lao tù. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi không biết lúc ấy các cô chú nghĩ gì nhưng nếu là tôi, cách tốt nhất chính là đoàn kết lại, chúng tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện về gia đình, nhưng tuyệt đối chỉ là những điều vui, không kể chuyện buồn. Đó sẽ là cách giữ cho tinh thần sáng suốt chờ đến ngày thắng lợi cuối cùng”.
Có một nữ trại sinh khá đặc biệt: Thanh Mai, cô bé nhỏ nhất đoàn, đã đi tìm cho ra chuồng cọp mang số 30 trong dãy chuồng cọp Pháp vì đó là nơi bà nội của mình - nữ tù Huỳnh Ngọc Thanh (Mười Thanh) - bị giam năm xưa. Mai nói: “Bà nội cũng kể cho mình nghe nhiều, còn cho coi phim tư liệu nhưng mình chưa cảm nhận được hết những gì xảy ra. Đến đây thì mình hiểu hơn gian khó mà bà nội mình và các đồng đội đã trải qua”.
Từ những xà lim im lìm ấy, có bao nhiêu khát vọng được thổi bùng lên trong suy nghĩ của những trại sinh đều là lứa 9X. Trần Thiện Nghĩa bộc bạch: “Có thể mình chưa hiểu hết gian khó của các cô chú ngày xưa nhưng nhận ra rằng mình sẽ phải cố gắng hơn. So với các cô chú ngày xưa, những khó khăn mình gặp hôm nay chẳng là gì và tự hứa với lòng sẽ không than vãn mà luôn tìm cách giải quyết mỗi khi gặp vướng mắc trong cuộc sống”.
Tôi nhìn lại tôi
Đêm chia tay tại cầu tàu 914 lịch sử, có những giọt nước mắt đã rơi trong tiếng sóng biển nối nhau đều đặn vỗ bờ. Có bạn đã ước giá như chuyến đi không phải là bốn ngày mà là... nửa tháng, để được sống, được chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa. Thậm chí có bạn còn muốn, nếu có thể, sẽ sống ít nhất một năm tại mảnh đất thiêng liêng này.
Phút lắng đọng sau những ngày hoạt động liên tiếp cũng đủ để nhiều bạn kịp nhìn lại mình. Một phút nói thật về chính mình, về những cảm nhận sau những trải nghiệm làm nhiều bạn rơi nước mắt. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi đã nhận ra một điều rất đơn giản mà trước đây chưa từng nghĩ đến, đó là phải biết quan tâm đến những người xung quanh. Tôi từng nghĩ chỉ cần biết chính mình là đủ, nhưng đến lúc này tôi đã nghĩ lại”.
Lặng lẽ hơn, trại sinh Tuấn Vinh tự đúc kết: “Tôi từng băn khoăn việc đi nghĩa vụ quân sự, nhưng sau kỳ trại này tôi chắc chắn một điều khi Tổ quốc gọi, tôi sẵn sàng hiến dâng sức lực và cuộc đời dù nhỏ nhoi của mình. Kết thúc kỳ trại, kết thúc những suy nghĩ ích kỷ cho bản thân”.
Nói như lời gợi mở của anh Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TP.HCM): “Dù các bạn làm gì, ở bất cứ đâu thì hãy nhớ mãi những giây phút này, khi chúng ta bên nhau, được cùng chia sẻ với nhau mọi điều. Nhưng quan trọng nhất, mỗi bạn hãy luôn ghi nhớ hai chữ Việt Nam trong tim, để thấy yêu và có trách nhiệm hơn với đất nước thân yêu của mình”.
Những bài học phong phú
Trong bốn ngày, các trại sinh trải qua rất nhiều bài huấn luyện. Từ leo núi rèn thể lực đến vượt rừng để khám phá khả năng làm việc nhóm, xây dựng tinh thần đồng đội. Các bạn cũng đã có những giây phút trải nghiệm trong các trại giam với vai tù nhân hay du thám nhiều địa điểm hấp dẫn nổi tiếng của Côn Đảo. Ngoài ra, không chỉ tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày như rửa chén, giặt đồ, sắp xếp chỗ ngủ, kỷ luật quân đội, các trại sinh còn được rèn luyện kỹ năng đi rừng, đánh cá, dò sóng điện thoại và nhiều chuyên đề chia sẻ kỹ năng nhận diện bản thân, sức mạnh của niềm tin...
Trại “Đến Côn Đảo - rèn bản lĩnh” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức. Đây là một trại kỹ năng sống nằm trong chuỗi huấn luyện Học kỳ trong quân đội do nơi đây tổ chức suốt mùa hè này.


CÔN ĐẢO LÃNG MẠN VÀ ĐẦY BÍ ẨN:

Côn Đảo của Việt Nam nằm trong danh sách 10 hòn đảo lãng mạn và bí mật nhất thế giới năm 2011, do Tạp chí du lịch uy tín thế giới Lonely Planet (Anh) bình chọn.
Giữa đông năm 2011, vợ chồng minh tinh Hollywood lừng danh Angelina Jolie – Brad Pitt cùng các con đã có chuyến đưa cậu bé con nuôi gốc Việt Pax Thiên trở về Việt Nam. Họ chọn điểm nghỉ dưỡng là  resort Six Sense Côn Đảo. Sự xuất hiện của họ nhắc du khách toàn thế giới thêm một lần chú ý đến Côn Đảo, một thời là địa ngục trần gian nhưng đẹp như thiên đường.
Những gì báo chí phản ánh cho thấy sự hài lòng của các vị khách đặc biệt này. “Trong ánh nắng cuối chiều ươm vàng và gió lộng, cả nam – nữ diễn viên mặc vest trắng mỏng, giản dị nhưng thanh lịch. Pax Thiên mặc soóc xanh áo phông xám đỏ, tung tăng chạy chơi dưới sân đỗ máy bay, trong khi mẹ cậu Angelina một tay bế bé Vivienne 3 tuổi, một tay dắt bé Zahara 6 tuổi. Bé Vivienne vô cùng xinh xắn trong bộ váy áo hồng bám riết lấy mẹ, còn cô chị tóc xoăn da nâu Zahara thì chững chạc hơn nhưng vẫn phải nắm tay mẹ. Trông hơi khác mọi ngày, bé Shiloh – cô con gái ruột 5 tuổi của “ông bà Smith” – vui vẻ chạy nhảy, mái tóc vàng bay tung trong gió. Trong khi đó, Knox – cậu trai trong cặp sinh đôi út ít – lại không rời bố. Brad Pitt lúc nào cũng đi cạnh con”. Trong mấy ngày nghỉ họ đã đi thăm di tích, tắm biển, nghỉ ngơi trong yên bình, thanh thản và hài lòng với Côn Đảo – Việt Nam.

Quả thật, ai đã đến Côn Đảo một lần thì chẳng thể nào quên. Tôi đi Côn Đảo bằng máy bay, vì tháng 9 sóng lớn, tàu cao tốc  (từ Sài Gòn) và tàu thủy ( từ Vũng Tàu) không đi được. Hôm tôi ra đảo phải mua vé trước hai ngày. Máy bay vừa cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất chừng 20 phút đã thấy tiếp viên nhắc thắt dây an toàn vì đang giảm dần độ cao để hạ cánh.
Nhìn xuống phía dưới, giữa nhấp nhô màu xanh có những miếng sáng  lấp lánh dưới nắng, chắc đó là mái tole hay bể nước inox như trong thành phố, tôi ồ lên: Tới đảo rồi! Mấy người khách cùng đi cũng xôn xao, ngó không chán mắt xuống màu xanh lấp lánh phía dưới. Máy bay thấp dần, thấp dần mới thấy không phải. Đó là sóng. Những con sóng bạc đầu bắt nắng giữa mênh mông của biển cả.
Máy bay sà gần mặt nước và hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống. Bước ra cầu thang máy bay, một bầu không khí trong trẻo, lặng lẽ trong nắng thu vàng rực, cây cối xanh mướt mát mang đến cho chúng tôi một cảm giác yên bình, thanh thản đến lạ lùng. Côn Đảo đây chăng? Địa ngục trần gian một thời đây chăng? Ngồi trên xe bus chạy vào trung tâm  cách đó hơn chục cây số mà vẫn thấy như đang mơ. Con đường nhựa độc đạo uốn lượn bên sườn núi nguyên sơ, cây cối xanh tươi, bên trái là miên man sóng biển…

Anh Chánh án huyện đảo khi đó là anh Đặng Văn Sử, (bây giờ anh đã trở lại đất liền) đưa chúng tôi vềkhách sạn liền kề với Tòa án và các cơ quan hành chính. Khách sạn nằm trên con đường đẹp nhất của đảo mang tên Tôn Đức Thắng, một trong những người đã bị giam cầm tại đây và sau đó trở thành Chủ tịch nước. Đường có dãy bàng cổ thụ cả trăm năm, nhìn ra cầu tàu, nơi neo đậu của tàu thuyền đánh cá… Bữa trưa đầu tiên mấy anh em ăn trong quán Phương Thảo. Quán là một  trong một dãy những căn nhà kiểu Pháp, được khuyến cáo giữ nguyên vẹn vì mục đích bảo tồn bảo tàng, đây là dãy biệt thự dành cho quan chức chế độ cũ. Không chỉ căn nhà này mà đi trên các con đường lớn, chúng tôi thấy hầu hết các  dãy tường có những cột trụ rất đặc trưng từ thời Pháp vẫn được giữ nguyên vẹn nét rêu phong đẹp mắt. Trong khi ở đất liền tệ tân trang di tích và do chật hẹp, hầu hết các di tích bị biến dạng hay bị dịch vụ du lịch khai thác quá mức, thì ở đây, được chạm tay vào di tích nguyên bản, được trò chuyện với quá khứ trăm năm mang đến cho ta cảm xúc đặc biệt.
Ngồi bên hai khẩu thần công đặt bên cổng Tòa nhà của Chúa đảo xưa, nay là phòng trưng bày, nhìn ra Vịnh Côn Sơn sóng vỗ hiền hòa trong nắng tôi chợt nghĩ, không biết năm 1294 đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý lừng danh Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm, chỉ còn 6 chiếc đã dạt vào trú tại đây, họ có cắm trại ở chỗ tôi đang ngồi không nhỉ? Và có phải vì chuyến ghé thăm bất ngờ ấy của  Marco Polo mà sau đó, từ thế kỷ XV-XVI, đã có rất nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé qua thăm Côn Đảo.

Cũng trên hòn đảo này, lịch sử đã chứng kiến những ngày tháng gian nan của Nguyễn Ánh – Gia Long, người mở ra cơ nghiệp 13 đời vua nhà Nguyễn sau này. Tháng 11 năm 1784, Nguyễn Ánh giao ấn tín và Hoàng tử Cảnh cho viên Khâm sai Tòa thánh ở Gia Định là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) sang Pháp cầu viện. Dân đảo truyền tụng rằng bà Hoàng Phi Yến một mực ngăn cản, Nguyễn Ánh giận quá giam vợ vào một hòn đảo nhỏ, bây giờ hòn đảo ấy mang tên là Hòn Bà, đỉnh núi như hai người đang nép vào nhau ấy là đỉnh Tình yêu. Miếu An Sơn thờ bà Hoàng Phi Yến lúc nào cũng nghi ngút khói hương và ngày giỗ 18 tháng Mười của bà hoàng xấu số này trở thành ngày lễ hội của đảo. Và khách sạn tôi nghỉ, một cơ sở kinh tế của Quận ủy Côn Đảo cũng mang tên Phi Yến…
Một ấn tượng dễ thấy là đảo rất vắng người, cả huyện đảo này chỉ có chừng 5-6.000 người thôi, nên chợ cũng im ắng như một thánh đường. Người ta mua bán không mặc cả, nói bao nhiêu bán bấy nhiêu. Con người ở đây đơn sơ, hiền hòa và ngay thẳng. Xe máy bạn có thể để cả đêm ngoài đường không mất. Hôm đó tụi tôi đi với anh Chánh án, thấy ghẹ tươi ngon ghé xuống mua. Người bán nói giá  80.000 đồng/ký, lại còn nói người quen nữa nên không bán đắt, nhưng dù mặc cả vài câu mà giá bán vẫn đúng 80.000. Trên đường về Chánh án mới nói, anh vừa xét xử, giúp cho người bán ghẹ đòi được mấy chục triệu đồng. Quen kiểu vậy đó. Ở đây mọi người biết nhau cả và người dân vẫn cho rằng cán bộ, chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ dân, nên chả thấy có ơn huệ gì.
Nhiều con đường hai chiều rộng rãi, sạch như lau như ly mà không một bóng người qua lại. Không chỉ ở trung tâm mà đường lên nghĩa trang Hàng Dương cũng sạch sẽ như thế. Chúng tôi chạy xe máy lên Nghĩa trang Hàng Dương trong nắng chiều chói chang. Những ngôi mộ mới được tu bổ trên thảm cỏ xanh tốt và dưới bóng râm của những hàng dương (phi lao) vi vút gây cho ta một cảm giác yên bình. Ngay bên trái gần cổng vào là mộ Anh hùng Võ Thị Sáu, được xây dựng với quy cách đặc biệt so với các ngôi mộ khác, lúc nào cũng có hương hoa, gương lược của du khánh và dân cư trên đảo cúng viếng. Người ta nói chị Sáu rất thiêng, ai cầu gì được nấy. Nói vậy nhưng đi giữa những ngôi mộ điệp trùng tôi không dám cầu gì cho bản thân mình. Chúng tôi cầu anh linh các vị phù hộ cho đất nước ta hòa bình và phát triển.

Ở khu B, còn có ngôi mộ Lê Hồng Phong và mộ Nguyễn An Ninh, quy cách như mộ Võ Thị Sáu…
Trong 113 năm (1862-1975) được sử dụng làm nơi giam giữ, Côn Đảo có đến 2 vạn người cả chính trị phạm và thường phạm bỏ mạng tại đây, nhưng hiện ở nghĩa trang Hàng Dương này chỉ có 1.912 ngôi mộ. Như vậy trên mỗi tấc đất ở Côn Đảo này đều có xương máu những người đã ngã xuống. Ngoài nghĩa trang Hàng Dương dưới chân núi Chúa, Côn Đảo còn có một nghĩa trang khác là nghĩa trang Hàng Keo, nằm ngay ven biển. Nghĩa trang Hàng Keo có quá nhiều hài cốt chồng lên nhau,  nên không thể xây mộ như nghĩa trang Hàng Dương được, người ta chỉ có thể vun cát thành từng đống thôi. Anh em kể rằng những ngày bão cát, nhiều khi trơ cả hài cốt, phải huy động thanh niên ra vun lại. Người ta đã xây một bia tưởng niệm chung, đặt bát hương để các oan hồn ấy có nơi hương khói…
Ấn tượng mạnh nữa về Côn Đảo là hệ thống nhà tù còn nguyên vẹn gắn với tên tuổi nhiều danh nhân… Cô hướng dẫn viên xinh đẹp có trên tay chùm chìa khóa to tướng, mở cửa các phòng giam ở trại Phú Hải cho chúng tôi  vào thăm, tiếng ken két của cửa sắt và cái lạnh lẽo, u ám của phòng giam  khiến ai cũng chợt lắng mình. Cô hướng dẫn viên cho hay, chỉ khi có đoàn khách mới mở cửa, nên thường ngày các phòng giam vẫn đóng khóa như cả trăm năm trước vậy. Đây là trại được xây dựng đầu tiên ở Côn Đảo từ thế kỷ XIX. Không mấy du khách đi hết hơn chục khu giam giữ, chỉ đi một vài Trại như Phú Hải, Phú Sơn thôi…
Nhưng sự giàu có của Côn Đảo không chỉ ở quá khứ, ở những chuyện thương tâm, đày đọa, tranh đấu, khiến hòn đảo này mang danh “địa ngục trần gian” mà còn là thiên nhiên kỳ thú, một tiềm năng du lịchđáng nể. Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76km2 là Côn Lôn, Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau và một chuỗi các hòn đảo nhỏ khác. Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt dài trên 10km, rộng từ 2-3km trông ra Vịnh Côn Sơn. Chỉ có hòn đảo chính này có dân cư.
Côn Đảo có nhiều bãi biển tuyệt đẹp, bãi cát phẳng mịn màng, nhiều bãi rất kín đáo, duyên dáng và chung một nét nguyên sơ đến tuyệt đối.
Rừng nguyên sinh bao phủ gần như toàn bộ đảo, tạo nên một Côn Đảo trong lành và đẹp như chốn thiên đường. Người ta cho hay, Côn Đảo là một trong số rất ít những nơi còn lại ở nước ta có những loài động thực vật quý hiếm nhất sinh sống, như Dugon, rùa biển, cá heo hay nhiều giống phong lan mà không còn tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở Việt Nam. Đặc biệt san hô lớn và đa dạng, có thể sánh với những khu du lịch sinh thái nổi tiếng nhất trong khu vực. Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng diện tích được bảo vệ đến 20.000ha, trong đó có 14.000ha ven biển và 6.000ha là rừng trên 14 đảo. Thêm vào đó còn có một vùng biển đệm rộng 20.500ha. Trên 1.300 loài sinh vật biển được xác định ở đây. Với tính đa dạng sinh học biển cao, vườn quốc gia Côn Đảo đã được liệt kê vào danh sách “Những khu vực được ưu tiên cao nhất” trong hệ thống khu bảo tồn biển toàn cầu.
Những người ưa khám phá có thể đi tham quan vườn quốc gia bằng hình thức đi bộ một quãng ngắn, xuyên qua rừng mưa nhiệt đới, đến bãi biển Ông Đụng của bờ bên kia của đảo. Du khách nếu thực hiện một chuyến lặn sẽ được xem những rặng san hô trải dài hàng kilômét, với hàng chục loại san hô đủ màu sắc, đủ hình dáng, với những con cá lớn sặc sỡ bơi lội tung tăng trong làn nước biển xanh trong vắt. Côn Đảo hội tụ đủ nhất các điều kiện để trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đúng nghĩa.
Có du khách ra Côn Đảo chỉ mong được sang hòn Bảy Cạnh ngắm mặt trời mọc và buổi tối chứng kiến những con rùa biển làm ổ và đẻ trứng trên bãi biển. Còn gì hạnh phúc bằng ta được nâng trên tay chú rùa đang cựa mình tách vỏ, ngơ ngác nhìn biển xanh rồi ta thả chú hòa vào sóng nước. Rùa đẻ trứng quanh năm, nhưng nhiều nhất là quãng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Côn Đảo cũng là một nơi lý tưởng dành cho những tay ham câu.
Ngoài tiềm năng du lịch, một số hộ dân đã nuôi cá lồng rất có hiệu quả. Chánh án huyện đảo Đặng Văn Sử đã đưa chúng tôi ra Bến Đầm thăm các lồng cá. Anh chàng Lê Văn Quân người Thanh Hóa, chưa vợ mà mỗi năm đã kiếm cả một tỷ đồng nhờ nuôi cá lồng. Khách Trung Quốc đi tàu vào lấy hàng định kỳ nên có đến đâu hết đến đấy. Loại cá đang được giá nhất hiện nay là cá mú, đến mấy trăm ngàn một ký, bên cạnh đó Quân và các hộ nuôi cá xung quanh còn nuôi rắn biển và các loại cá khác nữa. Quân cho hay, an ninh ở đây tuyệt vời, nước biển lại trong lành, không có ô nhiễm nên thật dễ chịu.
Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nuôi trai lấy ngọc ở Côn Đảo cũng đang làm ăn có hiệu quả. Ngoài resort Six Senses tiêu chuẩn 5 sao, mà vợ chồng “ông bà Smith” đã lựa chọn, Côn Đảo đã có thêm 3 resort ven biển đạt tiểu chuẩn 3 sao và nhiều khách sạn, nhà nghỉ, bên cạnh các khu vực lưu trú nhỏ khác trong thị trấn.
Ông Phó Chủ tịch huyện đảo sau khi khoe tiềm năng của mình cứ xuýt xoa, tiềm năng đấy mà chúng tôi chưa khai thác được bao nhiêu, rừng quốc gia chưa được khai thác du lịch, khách sang các đảo khác không được ngủ lại… dẫn đến không giữ chân được du khách. Hay các di tích nhà tù, nhiều quá như vậy, mà đều giống nhau, du khách không đi hết, liệu có thể chỉ để lại một số tiêu biểu không, vì đất trên đảo quá hiếm.
Côn Đảo, có hình dáng như con gấu lớn. Chú gấu còn ngủ đông đã cựa mình thức dậy để Côn Đảo thật sự là một thiên đường cho du khách. Thiên đường lãng mạn và bí mật nhất thế giới, với một quá khứ từng là địa ngục trần gian, ai mà không muốn đến một lần nhỉ. Vợ chồng Angelina Jolie – Brad Pitt chắc hẳn đã  có sự lựa chọn rất kỹ trước khi đến nơi này…
http://congly.com.vn

CHÙA NÚI MỘT
(SGGP).- Ngày 4-12, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức khánh thành công trình tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng chùa Núi Một (ảnh). Công trình có tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vincom), Báo Công an nhân dân và Viện Công nghệ Viễn thông (Viện Khoa học Công nghệ VN) tài trợ thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Việc tôn tạo và khôi phục lại các nghi thức Phật giáo tại ngôi chùa có lịch sử gần 100 năm nay trên Côn Đảogóp phần tôn thêm ý nghĩa về văn hóa, lịch sử trong quần thể danh thắng Côn Sơn.

Trước đó, vào tối 3-12, đại diện chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM và Tổ đình Vĩnh Nghiêm đã tổ chức lễ cầu siêu cho hương linh các anh hùng, liệt sĩ được siêu thoát và cầu an cho quốc thái dân an, hòa bình, phát triển.

CÔN ĐẢO THU HÚT KHÁCH QUỐC TẾ

Năm 2011, huyện Côn Đảo đón 12.508 lượt khách quốc tế, tăng 229,7% so với năm 2010. Đặc biệt, sự kiện cặp minh tinh nổi tiếng Hollywood – Angelina Jolie và Brad Pitt chọn Côn Đảo làm điểm dừng chân cho chuyến nghỉ dưỡng càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch Côn Đảo.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG
Ông Trương Hoàng Phục, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết, dù có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và hệ thống di tích lịch sử nhưng nếu không có định hướng đúng đắn nhằm phát huy giá trị đó thì Côn Đảocũng không được như hôm nay. Ông khẳng định Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015 là một định hướng quan trọng để Côn Đảo đầu tư khai thác tiềm năng du lịch.

Ngay sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, huyện Côn Đảo đã xây dựng chương trình hành động số 24, trong đó xác định quan điểm phát triển là tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp, phù hợp với xu hướng của thị trường du lịch quốc tế; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo; xây dựng Côn Đảo xứng đáng với vị trí trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước.

Từ quan điểm trên, lãnh đạo huyện Côn Đảo xác định hạ tầng phải đi trước. Từ năm 2009, hệ thống đường giao thông, điện, nước, viễn thông… được đầu tư và ngày càng hoàn thiện dần. Nếu như trước đây từ đất liền ra Côn Đảo chỉ có đường thủy và đường hàng không nhưng lịch trình khởi hành không thường xuyên vì phụ thuộc vào thời tiết, thì ngày nay việc đi lại giữa Côn Đảo với đất liền đã dễ dàng hơn. Hiện tần suất bay tuyến TP. Hồ Chí Minh – Côn Đảo được Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) tăng lên 28 chuyến/tuần và 4 chuyến Cần Thơ – Côn Đảo. Song song đó, huyện Côn Đảo còn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, văn minh trong cộng đồng dân cư và xúc tiến, quảng bá, giới thiệu Côn Đảo ra thế giới thông qua các kênh truyền thông chính thống trong nước và nước ngoài…

Những nỗ lực trên đã đem lại nhiều thành quả quan trọng. Từ năm 2010 đến nay, hình ảnh thiên nhiên Côn Đảo liên tiếp xuất hiện trên các kênh truyền hình và tạp chí nổi tiếng thế giới như: kênh truyền hình TF1 của Pháp, Tạp chí New York Times (Mỹ), tạp chí Lonely Planet (thuộc tập đoàn BBC – Anh), Tạp chídu lịch Travel and Leisure (Mỹ), Resort Six Senses Côn Đảo đoạt giải thưởng công trình xây dựng và thiết kế xuất sắc nhất thế giới do kênh truyền hình Bloomberg (Mỹ)… Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đến Côn Đảo giai đoạn 2009-2011 khá cao, đạt gần 40%/năm. Đến hết tháng 12-2011, huyện Côn Đảo đón 59.916 lượt khách (tăng 48,5% so với năm 2010). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 119,896 tỷ đồng, đạt 171% kế hoạch, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, năm 2011 Côn Đảo được mùa khách quốc tế, với 12.508 lượt, tăng 229,7% so với năm 2010 (đạt 3.793 lượt) doanh thu 45,5 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là khách Mỹ, Pháp, Anh.

Song song đó, các dự án đầu tư vào Côn Đảo cũng ngày càng tăng, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều resort, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, có vốn đầu tư lớn. Tiêu biểu là Resort Six Senses Côn Đảo tại khu vực Đất Dốc (38 triệu USD) do Công ty TNHH Côn Đảo Resort làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 gồm 35 phòng, 9 villa theo tiêu chuẩn quốc tế; Khách sạn Sài Gòn – Côn Đảo; Nhà nghỉ Công đoàn; Khu du lịch nghỉ dưỡng ATC… Và nhiều dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư như: khu du lịchnghỉ mát Việt Nga (vốn đầu tư 800 tỷ đồng), quy mô 125 phòng đã khởi công vào tháng 3-2011, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2013; dự án mở rộng Resort Six Senses Côn Đảo; khu du lịch Poulo Condor; khu du lịch chất lượng cao Hotel Resort Regency Hyatt tại Đầm Trầu – Cỏ Ống (250 triệu USD)…

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong các cơ sở lưu trú, điểm tham tham quan trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Số lượng cán bộ, nhân viên làm việc trong ngành du lịch tăng 163% so với năm 2009 với 400 người, trong đó, 48 người có trình độ đại học, 31 người tốt nghiệp cao đẳng, 105 người có bằng trung cấp chuyên nghiệp, số còn lại có trình độ sơ cấp và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

KHUYẾN KHÍCH CỘNG ĐỒNG LÀM DU LỊCH

Năm 2011, đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt. Nội dung các quy hoạch trên xác định Côn Đảo sẽ trở thành khu kinh tế du lịch – dịch vụ chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch di sản, văn hóa – lịch sử. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng đủ sức đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 64.000 lượt khách/năm vào năm 2015 và 150.000 lượt khách/năm vào năm 2020; đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 đưa Côn Đảo trở thành đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thu hút khoảng 250 – 300.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 15-20%.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Côn Đảo đang thúc đẩy phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết các phân khu chức năng Cỏ Ống, Bến Đầm và khu trung tâm; quy hoạch Vườn Quốc gia Côn Đảo; điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử cách mạng; khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư các sản phẩm theo hướng cao cấp. Song song đó, huyện Côn Đảo còn kêu gọi cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch, bảo vệ môi trường thông qua đề án “Nói không với túi ni lông”, gấp rút đưa đề án “Nhân dân Côn Đảo tham gia phát triển du lịch” khảo sát, lấy ý kiến đóng góp từ các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớn nhân dân để xây dựng đề cương chi tiết. “Với những nỗ lực của toàn nhân dân, trong tương lai không xa nữa huyện Côn Đảo sẽ phát triển xứng đáng với vị trí trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước” – ông Trương Hoàng Phục nói.

Nguồn: Báo BRVT




1 nhận xét: